Đợi chờ là tác phẩm vô cùng thú vị, câu chuyện bắt đầu bằng một sự chờ đợi và kết thúc bằng một sự chờ đợi khác. Cáp Kim đã kể về một mối ...
Đợi chờ là tác phẩm vô cùng thú vị, câu chuyện bắt đầu bằng một sự chờ đợi và kết thúc bằng một sự chờ đợi khác. Cáp Kim đã kể về một mối tình trớ trêu và đầy nghị lực trong suốt 18 năm giữa Khổng Lâm và Mạn Na, để rồi cuối cùng nhận ra rằng tình cảm là thứ mà con người không thể nắm bắt được.
Năm 1962 Khổng Lâm kết hôn với Thục Ngọc, đám cưới này do sự sắp xếp của cha mẹ anh vì mẹ anh ốm đau cần có người chăm sóc. Lâm không phản đối nhưng khi về nhà thì anh thất vọng khi thấy Thục Ngọc. Thục Ngọc trông thật già, như thể vào tuổi bốn mươi, bộ mặt nhăn nheo và bàn tay sần sùi, bà còn bó chân và đôi khi quấn xà cạp đen. Mái tóc đen búi chặt sau đầu làm mặt bà hơi hốc hác. Vẻ ngoài của Thục Ngoc trái ngược hẳn với Lâm, Lâm trắng trẻo, đẹp trai. Điều này khiến Lâm trở nên tự ti, ông nghĩ rằng tuyệt đối không thể giới thiệu bà với ai ngoài làng quê được. Vì thế sau khi kết hôn, trong suốt hai mươi năm ông chưa bao giờ cho vợ đến thăm mình ở quân y viện. Hơn nữa, trong mười bảy năm, từ khi đứa con duy nhất của họ ra đời, ông sống ly thân với vợ. Mỗi khi về nhà, ông ngủ trong phòng riêng. Lâm không yêu Thục Ngọc, ông cũng không ghét bà, đơn giản ông coi Thục Ngọc như một cô em họ.
Thục Ngọc là một người đàn bà truyền thống thực sự, bà chăm sóc cha mẹ chồng một cách tận tụy không thể chê trách vào đâu được. Điều này khiến Lâm dường như mắc nợ với bà. Thục Ngọc cũng luôn tôn thờ chồng, dù Lâm có làm gì hay nói gì bà cũng tuân theo không một lời phản đối. Ngay cả khi Lâm muốn li hôn bà vẫn lặng lẽ đồng ý, tuy nhiên mỗi lần ra tòa bà lại không thể nói dối tình cảm của mình trước quan tòa. Điều này khiến chuyện li hôn của họ kéo dài từ năm này sang năm khác mà không giải quyết được.
Lâm đã vướng vào một tình huống tiến thoái lưỡng nan khi yêu Mạn Na. Ông không thể thoát ra để làm lại điểm khởi hành. Tình yêu không giúp được gì, niềm hi vọng trong tình yêu chỉ mang lại sự chán nản và nỗi u ám như thể đang ốm đau trong tâm hồn. Mỗi mùa hè khi phải đối diện với chuyện li hôn Thục Ngọc là một gánh nặng với lâm, Thục Ngọc là người quá đàn bà có tâm hồn đơn giản và Lâm cảm thấy có lỗi khi làm điều này với Thục Ngọc. Nhưng khi trở lại thành phố Lâm lại cảm thấy có lỗi với Mạn Na khi không hoàn thành kế hoạch li hôn.
Lâm cũng từng tìm cách thoát khỏi tình huống này bằng cách tìm cho Mạn Na một người phù hợp, nhưng mọi cố gắng của ông chỉ để chứng minh rằng ông không thể làm thế, ông ghét phải thấy Mạn Na đi cùng người khác dù không bao giờ nói ra điều ấy. Khổng Lâm cũng cần Mạn Na ở đây.
Toàn bộ quân y viện đều biết mối quan hệ của Lâm và Mạn Na, mọi người dường như coi Mạn Na là người vợ không chính thức của Lâm mặc dù hai người chưa bao giờ đi quá giới hạn hay vi phạm những nguyên tắc có phần khắc nghiệt của quân y viện.
Năm 1984 sau 18 năm li thân Lâm có thể li hôn cho dù Thục Ngọc có đồng ý hay không. Đây là một điều luật được ban hành ở bệnh viện quân y vào năm 1958. Cuối cùng vụ li hôn được diễn ra một cách nhanh chóng với yêu cầu duy nhất là tìm cho Hoa, con gái của Lâm và Thục Ngọc một công việc ở thành phố.
Sau khi li hôn, Thục Ngọc không trở về quê mà ở trong khu tập thể bệnh viện. Hoa cũng được vào làm trong xưởng diêm Huy Hoàng, một thời gian sau cô được phân một căn phòng tập thể và hai mẹ con sống ở đó.
Lâm và Mạn Na đã kết hôn, họ có một khởi đầu nồng nhiệt bù lại cho 18 năm chờ đợi, sau đó họ có hai đứa con trai sinh đôi nhưng sức khỏe của Mạn Na ngày càng suy yếu do bệnh tim. Mạn Na đã đòi hỏi ở Lâm quá nhiều, Lâm cố hết sức để chiều ý Mạn Na, ông phải làm mọi việc trong nhà từ nấu cơm tới giăt tã cho con... Nhưng tính cách của Mạn Na dần thay đổi, cô trở nên hay cáu kỉnh và thô lỗ khi buông những lời chửi rủa Lâm khi ông có những sai sót nhỏ không vừa ý Mạn Na. Đôi khi hai người cũng có những trận cãi vã chẳng vì điều gì cả. Điều này khiến Lâm cảm thấy căn nhà mà ông sống cùng Mạn Na không có được chút bình yên nào để ông có thể ngồi đọc sách.
Lâm đã từng nghĩ tới việc bỏ đi, nhưng ông lại không thể làm vậy, ông đau khổ với những suy nghĩ trong đầu. Phải chăng ông đã chờ đợi 18 năm cho một sai lầm. Mạn Na không hề nhìn thấy những thay đổi của Lâm cũng như cô không nhận ra rằng tính cách của mình đã thay đổi sau khi hai người kết hôn.
Cuối năm ấy khi Mạn Na bảo Lâm đem quà tết tới cho Thục Ngọc, Lâm bước vào nhà và cảm thấy như được trở về nhà. Giá mà Thục Ngọc đối xử lạnh lùng với ông thì đã tốt, nhưng Thục Ngọc đón ông với tâm thế của một người vợ chờ chồng đi xa lâu ngày về. Sự ấm áp trong ngôi nhà này khiến Lâm cảm thấy bình yên. Tối hôm ấy trong khi uống rượu, Lâm đã nói những lời yêu thương với Thục Ngọc, những lời mà suốt từ ngày cưới chưa bao giờ ông nói. Ông nói về bệnh tình của Mạn Na và muốn Thục Ngọc chờ mình. Trong thâm tâm ông thì đây mới là gia đình thực sự, một nơi ấm áp và bình yên.
Thục Ngọc đã vô cùng vui sướng khi nghe Lâm nói những điều này, tối hôm ấy có lẽ là buổi tối vui nhất trong cuộc đời bà. Bà sẽ lại chờ đợi ông.
Tình yêu là một địa hạt vô cùng quen thuộc nhưng mãi mãi là bí ẩn với những người muốn thực sự hiểu về nó. Câu chuyện tình mà nhà văn Cáp Kim kể ra đây thật đầy chất thơ của một mối tình 18 năm nhưng lại cũng trần trụi và thực tế như chính cuộc sống vốn phải như vậy.
Trần Huệ Lương
11.7.2020
COMMENTS